Thursday, October 3, 2013

Vấn đề vệ sinh môi trường: xử lý trước, trong và sau bão lụt

Nước ta nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, mỗi năm có hàng chục cơn bão đổ bộ vào nước ta kèm theo đó là mưa to gây ra các trận lũ lớn làm gia tăng nguy cơ xảy ra dịch bệnh và thường để lại các hậu quả nặng nề. 

Đảm bảo cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trong và sau khi bão lũ là cực kỳ quan trọng để phòng chống dịch bệnh và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Chúng tôi xin giới thiệu một số điểm cơ bản trong chuẩn bị và thực hành khi bão lũ xảy ra có liên quan đến nguồn nước và vệ sinh môi trường.
Chuẩn bị trước mùa bão lũ
- Huấn luyện và cung cấp các tài liệu hướng dẫn đến cán bộ y tế cơ sở thông qua các kênh thông tin đại chúng (loa, đài,báo, tivi) tuyên truyền cho nhân dân biết sử dụng các loại thiết bị, vật tư, hoá chất khử trùng nước.
- Di dời các kho hoá chất đến nơi khô ráo, không bị ngập lụt.
- Kiểm tra nhà cửa, gia cố những nơi yếu có thể bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
- Dự trữ lương thực, thực phẩm, nước sạch, chất đốt.
- Chuẩn bị một số thuốc thông thường như đau bụng, cảm sốt, thuốc tra mắt, bông băng, thuốc ngoài da.
- Chuẩn bị nilon để bịt, đậy khi giếng nước có nguy cơ bị ngập lụt.
- Với chuồng tiêu và chuồng gia súc: Lấy hết phân ra, rắc vôi bột lên trên; các nhà tiêu tự hoại hoặc thấm dội nước thì chuẫn bị sẵn nút đậy.
- Đối với cán bộ y tế và cơ sở y tế: kiểm tra công tác chuẩn bị của tuyến dưới, cập nhật thông tin về dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hoá. Chuẩn bị cơ sở thuốc dự phòng và chữa bệnh chủ yếu là đường tiêu hoá. Các cơ số này được đóng gói sẵn để có thể vận chuyển nhanh nhất đến các nơi bão lụt xảy ra. Chú ý thời hạn sử dụng và bổ sung thuờng xuyên. Chuẩn bị các loại hoá chất khử trùng như là phèn chua, chloramin B bột 25%, hoặc chlorua vôihoặc canxi hypoclorit 70%, chloramin B viên 0,25g, viên khửkhuẩn làm sạch nước Aquatabs, các tờ rơi hoặc tài liệu truyền thông phát cho cộng đồng.
Xử lý nước ăn uống và vệ sinh môi trường trong khi ngập lụt
Xử lý nước uống
- Làm trong nước bằng phèn chua: 1g phèn chua trong 20 lít nước khuấy đều để trong 30 phút cho cặn lắng xuống đáy rồi gạn lấy nước trong, có thể dùng vải sạch để lọc nước, làm vài lần cho đến khi nước trong.
- Khử trùng bằng hoá chất:Mỗi viên chloraminB hàm lượng 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước và 1 viên Aquatabs 0,67g có thể khử trùng được 20lít nước trong.
- Chú ý: không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn hoặc các chất hữu cơ trong nuớc sẽ hấp phụ hết Chlo hoạt tính và làm mất tác dụng khử trùng của Chlo. Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi chlo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nếu lỡ cho quá nhiều Chlo thì phải chờ 30 phút hoặc một giờ cho bớt mùi nồng và nước này phải được đun sối mới uống được.
An toàn thực phẩm trong khi ngập lụt
Trong khi ngập lụt các loại lương thực, thực phẩm rất dễ bị hư hỏng hoặc bị ô nhiễm bởi các hoá chất độc haị, vi sinh vật gây bệnh. Vì vậy, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm phải được chú trọng. Các loại thực phẩm phải được nấu chín trước khi ăn; không sử dụng thực phẩm ôi thiu, nên ăn ngay sau khi nấu . Trong khi lũ lụt không nên ăn rau sống. Trong trường hợp không đun nấu được thì các sản phẩm như mì ăn liền đóng gói, thực phẩm đóng hộp và nước uống đóng chai là tốt nhất. Nước dùng cho ăn uống phải được khử trùng và đun sôi. Các nguồn thực phẩm cứu trợ phải có nguồn gốc rõ ràng và còn hạn sử dụng.
Xử lý nước ăn uống và vệ sinh môi trường sau bão lụt
Xử lý các giếng nước: Thực hiện ba bước
- Thau rửa giếng nước: làm sạch nước ở giếng, các hố nước xung quanh thành giếng, múc hết nước bẩn ở giếng bị ngập lụt ra (nếu có thể).
Làm trong nước giếng: dùng phèn chua (loại thường dùng là phèn nhôm) với liều lượng là 50g/1 m3 nước, nếu nước đục nhiều có thể cho lượng phèn tối đa là 100g/1m3 nước. Hoà tan hết lượng phèn cần thiết vào một gầu nước, tưới đều lên giếng nước, thả gầu chìm sâu xuống nước rồi kéo mạnh lên khoảng 10 lần rồi để từ 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng xuống hết thì tiến hành khử trùng.
- Khử trùng giếng nước: về nguyên tắc nước giếng sau khi khử trùng phải có nồng độ Chlo thừa là 0,5-1,0mg/lít (có mùi nồng của Chlo). Có thể dùng một số hoá chất khác như: Chorua vôi 20% (13g/m3) hoặc Chorua vôi 70% 94g/m3).
- Chú ý: Nếu nước chưa được làm trong hoàn toàn thì thuờng phải thêm bột Chloramin B, và ngửi thấy mùi Chlo thì việc khử trùng mới có tác dụng; nước đã khử trùng phải đun sôi mới được sử dụng. Trong trường hợp không có hoá chất để khử trùng chỉ ăn uống nước đã đun sối từ 10 phút trở lên và không ăn các loại rau sống bằngnước chưa khử trùng.
Nguyên tắc phòng chống bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa
- Thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo chống dich các cấp.
- Áp dụng các biện pháp dự phòng chủ động trước khi xảy ra lũ lụt là yếu tố mang tính quyết định.
- Khi lũ lụt xảy ra, việc xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân đóng vai trò quan trọng trong phòng chống dịch bệnh.
Tiến hành ngay các biện pháp y tế để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh.
- Tổ chức tốt hệ thống giám sát thống kê báo cáo tình hình các bệnh truyền nhiễm để xác định sự bùng phát dịch bệnh và khẩn trương tiến hành các biện pháp khống chế.
- Nhanh chóng điều tra các điểm được báo cáo về sự bùng phát dịch bệnh. Tổ chức cấp cứu, cách ly, và điều trị kịp thời để làm giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và chết.
- Cung cấp đủ cơ số thuốc, hoá chât, vật tư để thu dung và điều trị kịp thời các trường hợp bệnh khi có dịch xảy ra.
- Sử dụng viên sủi Aquatabs 67mg để khử trùng nước ăn uống hoặc các hoá chất như Chloramin B xử lý môi trường, nguồn nước.
Đề phòng một số bệnh thường gặp sau lũ lụt
Phòng bệnh đau mắt đỏ
- Không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn.
- Không để trẻ em tắm gội,chơi đùa với nước bẩn.
- Tra thuốc nhỏ mắt (Chloramphenicol 0,4% hoặc Argirol 1%) cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn.
- Rửa tay bằng xà phòng với nước sạch.
- Không dùng chung khăn mặt và chậu với người bị đau mắt đỏ.
- Chú ý diệt ruồi vì ruồi truyền bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh sang người lành.
Phòng bệnh ngoài da do nước
- Không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã được khử trùng thì phảiđánh phèn hoặc lọc nước bằng cát.
- Không mặc áo quần ẩm ướt.
- Trong mùa lũ không để trẻ em bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, không chỉ gây ra bệnh ngoài da mà còn gây ra các bệnh đường tiêu hoá do trẻ nuốt phải nước bẩn.
- Hạn chế lội vào chổ nước bẩn tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì ngay sau đóphải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô , nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.
Phòng chống các bệnh do đường tiêu hoá và bệnh do vector truyền
Thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế, nhưng cần lưu ý một số điểm sau:
- Thực hiện nguyên tắc"Ăn chín, uống chín"
- Không nên ăn rau sống.
- Đảm bảo đủ nuớc sạch cho ăn uống, sinh hoạt.
- Xử lý tốt nguồn phân, chất thải, rác thải và xác chết.
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Uống hoặc tiêm vaccin phòng bệnh khi có chỉ định.
- Ngủ màn.
- Loại bỏ những vùng nước tù đọng là nơi sinh sản của muỗi.
- Phun hoá chất khử trùng ở các nơi có nguy cơ cao hoặc khu vực có ổ dịch sốt rét, sốt xuất huyết.

No comments:

Post a Comment