Wednesday, September 18, 2013

Nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Trung thu

Tết Trung thu càng đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân càng tăng cao. Ngày nay, với sự phong phú của nhiều loại thực phẩm dùng trong dịp Tết cổ truyền như: Bánh kẹo, nước giải khát, rượu bia, hoa quả… thì nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng ngày càng nhiều hơn, nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Từ hơn một tháng nay, thị trường thực phẩm phục vụ tết Trung thu, đặc biệt các loại bánh Trung thu đã bắt đầu nhộn nhịp. Bên cạnh sự phổ biến của nhiều chủng loại bánh của các hãng bánh lớn có thương hiệu như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị... thì sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo của các cơ sở sản xuất tư nhân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận cũng xuất hiện khá nhiều tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm.
Đoàn thanh tra liên ngành về VSATTP tỉnh kiểm tra cửa hàng bán bánh Trung thu trên địa bàn thị trấn Lim (Tiên Du).

Theo các chủ cửa hàng thì một vài năm trở lại đây, hầu hết khách hàng không chỉ quan tâm đến giá cả, mẫu mã sản phẩm mà đã cân nhắc kỹ các thông tin về sản phẩm như nhà sản xuất, hạn sử dụng trước khi lựa chọn. Nhiều khách hàng cũng không ngại bày tỏ nỗi lo về mất ATVSTP sau khi nghe nhiều thông tin về bánh Trung thu hết hạn 2 năm vẫn bày bán hay thông tin bánh Trung thu của Trung Quốc chất lượng xấu tuồn vào Việt Nam… Nhận thức của đại bộ phận người dân về ATVSTP đã thay đổi nên các cơ sở kinh doanh bánh Trung thu cũng điều tiết việc nhập và bày bán sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng. 
Còn đối với những người tiêu dùng có kinh nghiệm, vấn đề mất ATVSTP phần nhiều đến từ những sản phẩm bánh Trung thu không có nhiều uy tín. Chị Nguyễn Thị Huế, khu đô thị Vũ Ninh - Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh) chia sẻ: “Tôi về quê và thấy bánh Trung thu của các cơ sở tư nhân được đa số bà con cân nhắc lựa chọn vì giá cả rẻ hơn đáng kể so với các hãng lớn. Nhưng tôi thì nghĩ, mỗi năm chỉ có một dịp Trung thu nên tôi vẫn lựa chọn những hãng bánh có tên tuổi. Phần vì sẽ bảo đảm ATVSTP, phần vì có nhiều loại hương vị. Nếu hàng nào bày bán bánh Trung thu ngoài trời có ánh nắng chiếu vào sẽ không chọn vì bánh sẽ bị biến chất”.
Nhằm bảo đảm quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu, Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP tỉnh đã thành lập 3 đoàn thanh tra tập trung kiểm tra chất lượng ATVSTP tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và đồ chơi Trung thu trên địa bàn tỉnh để kịp thời ngăn chặn những hành vi sai phạm.
Về nội dung trọng điểm của đợt thanh tra, ông Trần Danh Phượng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, Trưởng Đoàn thanh tra liên ngành số 1 cho biết “Là đơn vị trực tiếp quản lý nhà nước về ATVSTP, chúng tôi tham mưu BCĐ liên ngành về ATVSTP tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về chất lượng ATVSTP trong dịp Tết Trung thu. Đợt thanh kiểm tra sẽ tập trung chủ yếu vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát… đặc biệt là các cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc các làng nghề truyền thống, các cơ sở có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo đảm ATVSTP. Chúng tôi cũng gợi ý thêm cho các đoàn về việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ các loại đồ chơi Trung thu”.
Theo đó, các đoàn thanh tra liên ngành sẽ kiểm tra các quy định hiện hành liên quan đến lĩnh vực hoạt động của cơ sở như: Công bố tiêu chuẩn sản phẩm/công bố hợp quy/phù hợp quy định ATTP; ghi nhãn sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, hỗ trợ chế biến thực phẩm; quảng cáo sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm; chất lượng sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm; quy trình chế biến bảo quản thực phẩm và tiến hành lấy mẫu khi cần thiết.
Hiện nay, người dân có thể cơ bản yên tâm khi tìm mua các loại bánh kẹo Trung thu song kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, thường đến sát ngày Trung thu mới là thời gian cao điểm người dân bắt đầu mua nhiều thực phẩm. Đó cũng là lúc các cơ sở kinh doanh bánh kẹo lậu lợi dụng sự chủ quan, sơ hở của người dân, trà trộn các sản phẩm nhập lậu, không rõ xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh để trục lợi và đánh lừa người tiêu dùng.
Hậu quả cuối cùng của việc không bảo đảm an toàn thực phẩm là nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cho người ăn. Tết Trung thu đang đến gần, để nhà nhà đều có niềm vui trọn vẹn, người tiêu dùng cần đồng thuận và trách nhiệm cao trong bảo đảm ATVSTP. Đây chính là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm ATVSTP một cách bền vững trong tình hình hiện nay.

No comments:

Post a Comment